Ngày 13/5/2025, Bộ Khoa học và Công nghệ đã công bố danh sách bổ sung 32 sản phẩm, giải pháp khoa học công nghệ “Make in Viet Nam” từ tổng số 426 hồ sơ gửi về Bộ. Đáng chú ý, trong danh sách này có nhiều sáng kiến, giải pháp tiêu biểu đến từ các nhà khoa học ĐHQGHN, đặc biệt trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ bán dẫn, chuyển đổi số – những lĩnh vực trọng tâm đang được quốc gia ưu tiên phát triển theo định hướng của Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị.


Các sản phẩm, giải pháp tiêu biểu của ĐHQGHN

Nhiều sản phẩm và giải pháp do các nhóm nghiên cứu thuộc Viện Công nghệ Thông tin, Trung tâm Nghiên cứu Tiên tiến Quốc tế về Trí tuệ nhân tạo Ứng dụng (AIRC), và các đơn vị thành viên khác của ĐHQGHN đã tham gia trong hồ sơ đề xuất vào danh mục Make in Viet Nam. Trong đó nổi bật là:

Hệ thống hỏi đáp trực quan AIRC-VL là hệ thống hỏi đáp tự động dựa trên hình ảnh, tối ưu cho tiếng Việt sử dụng công nghệ kết hợp giữa mô hình thị giác (Vision Encoder) và mô hình ngôn ngữ vừa (Small Language Model – SLM) gồm ba thành phần chính: bộ mã hóa thị giác dựa trên SigLIP2, bộ chuyển miền hình ảnh văn bản trên MLP và mô hình ngôn ngữ Qwen2.5. Hệ thống này được huấn luyện với dữ liệu tiếng Việt gồm 3 triệu hội thoại về các bức ảnh Việt Nam và tinh chỉnh bằng phản hồi con người để nâng cao độ chính xác. Ứng dụng này cho phép máy hiểu và phản hồi câu hỏi từ hình ảnh, có khả năng triển khai trên thiết bị cầm tay – mở ra tiềm năng ứng dụng lớn trong giáo dục, y tế, bảo tàng thông minh, …

Công nghệ hỏi đáp trực quan AIRC-VL

Bên cạnh đó, còn một số sản phẩm khác như: Hệ thống Camera thông minh tích hợp AI, có thể phân tích hành vi, phát hiện xâm nhập, hỗ trợ an ninh đô thị thông minh. Đây là giải pháp Camera An ninh AI thế hệ mới, ứng dụng kiến trúc Multi-Task Learning trong các mô hình học sâu, đồng thời đạt độ chính xác nhận diện khuôn mặt trên 99% và hành vi bất thường trên 95%. Kiến trúc dữ liệu sử dụng MongoDB với sharding, replication và indexing tiên tiến, kết hợp Redis cache tốc độ cao.

Công nghệ Camera thông minh tích hợp AI

Hệ thống VNU-Diagnosis – hệ thống hỗ trợ chẩn đoán bệnh từ ảnh X-quang, sử dụng mô hình học sâu, tăng cường độ chính xác trong phát hiện bệnh lý. Nền tảng hệ thống trên chip (SoC) cho thiết bị IoT an toàn, đáp ứng các tiêu chuẩn về bảo mật trong môi trường ứng dụng công nghiệp và đời sống.

Công nghệ Trí tuệ nhân tạo hỗ trợ chẩn đoán trên phim X-Quang

Đây là các sản phẩm không chỉ thể hiện trình độ công nghệ cao, mà còn có tính ứng dụng thực tiễn cao, đáp ứng nhu cầu của thị trường và xã hội.

Trí tuệ nhân tạo – một trong ba trụ cột chiến lược của ĐHQGHN

PGS.TS Lê Hoàng Sơn – Phó Viện trưởng Viện Công nghệ Thông tin, ĐHQGHN nhận định: “Phát triển các công nghệ chiến lược như trí tuệ nhân tạo là bước đi đúng đắn của Đảng và Chính phủ, nhằm hiện thực hóa mục tiêu trở thành nước phát triển, có thu nhập cao vào năm 2045.” Theo ông, chuyển đổi số là công cụ quan trọng để tạo động lực phát triển mới cho đất nước, trong đó AI đóng vai trò then chốt.

PGS.TS Lê Hoàng Sơn nhấn mạnh: một trong những yếu tố đầu tiên cần thay đổi là nhận thức, từ Chính phủ, các cơ sở giáo dục đại học, viện nghiên cứu đến doanh nghiệp – về việc đặt đổi mới sáng tạo toàn diện làm trung tâm trong quá trình phát triển. Mọi chính sách, sáng kiến đổi mới cần hướng đến người dân, lấy người dân làm trung tâm và phục vụ lợi ích lâu dài của xã hội.

Chính sách cần thiết để phát triển bền vững AI và công nghệ số

Để phát triển nhanh và bền vững các lĩnh vực chiến lược như AI và công nghệ bán dẫn, cần có nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó có:

Thứ nhất, thu hút nhân tài trong và ngoài nước thông qua môi trường nghiên cứu thân thiện, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, và đảm bảo quyền tự chủ học thuật.

Thứ hai, cần duy trì nền tảng tài chính ổn định và dài hạn cho các chương trình R&D trọng điểm, kéo dài từ 5–10 năm, ưu đãi thuế cho doanh nghiệp công nghệ, và trợ cấp cho startup công nghệ cao.

Thứ ba, vấn đề cấp bách hiện nay là xây dựng hạ tầng số và dữ liệu chuyên ngành quy mô quốc gia, tập trung vào Trung tâm dữ liệu quốc gia (NIDC), thiết bị máy chủ, và dữ liệu dùng chung. Trên đó, triển khai các ứng dụng chuyên biệt, chất lượng cao.

Thứ tư, cần ban hành các khung pháp lý rõ ràng về AI giúp tạo lòng tin cho nhà đầu tư và hỗ trợ chuyển giao công nghệ hiệu quả.

Cuối cùng, đào tạo nhân lực chất lượng cao thông qua các chương trình tiến sĩ quốc tế chuyên sâu về AI, công nghệ bán dẫn, công nghệ số tiên tiến, kết hợp với học bổng từ các tập đoàn công nghệ toàn cầu sẽ tăng thế và lực cho việc phát triển công nghệ nền tảng Make in Vietnam.

Hướng đi chiến lược của ĐHQGHN gia tăng vị thế trong bản đồ giáo dục đại học toàn cầu

Năm 2025, ĐHQGHN xác định phát triển AI là nhiệm vụ trọng tâm, với ba trụ cột chiến lược: hạ tầng số, dữ liệu chuyên ngành, và ứng dụng AI trong y tế, giáo dục và chuyển đổi nghiệp vụ số.

Cụ thể, ĐHQGHN đã thiết lập các không gian đổi mới sáng tạo với nhiều đại học hàng đầu như ĐH RMIT (Úc), ĐH Thanh Hoa, ĐH Bắc Kinh (Trung Quốc), cũng như các tập đoàn công nghệ toàn cầu như Meta, NVIDIA, … Tại đây, sinh viên và nhà nghiên cứu có cơ hội tiếp cận, thực hành và phát triển các ứng dụng AI tiên tiến trong môi trường quốc tế hóa, góp phần nâng cao chất lượng nghiên cứu và đào tạo.

Những nỗ lực không ngừng nghỉ trong nghiên cứu, đổi mới sáng tạo và ứng dụng công nghệ đã giúp ĐHQGHN nâng cao uy tín quốc tế, thể hiện qua kết quả xếp hạng thuộc tốp 1000 trong số 2.092 cơ sở giáo dục đại học toàn cầu do Times Higher Education công bố năm 2024.

Đây là minh chứng cho định hướng phát triển đúng đắn và bền vững của ĐHQGHN trong việc phát triển khoa học công nghệ Make in Viet Nam, đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng một nền kinh tế tri thức, đổi mới và bứt phá của Việt Nam.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *