Để triển khai Nghị quyết 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia và thực hiện sứ mạng, tầm nhìn và chiến lược phát triển trong thời gian tới, ĐHQGHN đã thành lập Công viên Công nghệ cao và Đổi mới sáng tạo với mục tiêu trở thành trung tâm khoa học và công nghệ thông minh, hiện đại, dẫn đầu các xu thế, tạo ra các phát minh, sáng chế mang thương hiệu quốc gia. Công viên cũng sẽ là nền tảng quan trọng giúp ĐHQGHN nâng tầm năng lực nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao và nâng cao chất lượng đào tạo trong những lĩnh vực mũi nhọn.
Để hiểu rõ hơn về mô hình hoạt động của Công viên, Bản tin ĐHQGHN đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Trương Ngọc Kiểm, Giám đốc Công viên Công nghệ cao và Đổi mới sáng tạo.

PGS.TS Trương Ngọc Kiểm, Giám đốc Công viên Công nghệ cao và Đổi mới sáng tạo, ĐHQGHN

“Cộng hưởng” các nguồn lực để tạo đột phá trong R&D

Ông có thể chia sẻ rõ hơn về mô hình hoạt động của Công viên?

PGS.TS Trương Ngọc Kiểm: ĐHQGHN là trung tâm đào tạo, nghiên cứu, chuyển giao tri thức đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao, trình độ cao, đóng vai trò dẫn dắt, nòng cốt trong hệ thống giáo dục đại học Việt Nam. Việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị và Chương trình hành động theo Nghị quyết 03 của Chính phủ có ý nghĩa quan trọng để ĐHQGHN phát huy vai trò tiên phong trong nghiên cứu và đào tạo, góp phần thúc đẩy khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.

Để phát huy hiệu quả các nguồn lực và khơi thông tiềm lực KHCN và góp phần thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW, ngày 13/1/2025, Giám đốc ĐHQGHN đã ban hành Quyết định số 189/QĐ-ĐHQGHN thành lập Công viên Công nghệ cao và Đổi mới sáng tạo (Công viên). Đây là một mô hình tổ chức mới, chưa có tiền lệ trong các cơ sở giáo dục đại học ở Việt Nam. Công viên là một tổ hợp gồm các tổ chức khoa học công nghệ (các viện, trung tâm nghiên cứu, phòng thí nghiệm, xưởng thực hành, sản xuất thử nghiệm…), các đơn vị phục vụ, dịch vụ (đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng, chuyển giao, sở hữu trí tuệ, vườn ươm, tư vấn…) và các doanh nghiệp (VNU Holdings, Start-up, Spin-off, Quỹ đầu tư, Văn phòng hợp tác các tập đoàn, các tổ chức tài chính…). Đây là một hệ sinh thái “Lab to Market” nhằm ươm tạo và phát triển sản phẩm khoa học công nghệ đáp ứng nhu cầu xã hội; ươm tạo các nhà khoa học xuất sắc, các nhóm nghiên cứu đạt chuẩn quốc tế; thúc đẩy hợp tác đối tác trong và ngoài nước đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp; thu hút đầu tư vào hoạt động R&D, chuyển giao và thương mại hoá tài sản trí tuệ, phát triển doanh nghiệp Spin-off/start-up. Công viên là một giải pháp chiến lược, phù hợp với xu hướng phát triển KHCN&ĐMST của các nước tiên tiến trên thế giới, của Việt Nam và của ĐHQGHN cũng như đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, hội nhập quốc tế trong giai đoạn phát triển mới – Kỷ nguyên vươn mình của Dân tộc Việt Nam.

Các hướng chuyên môn chính mà Công viên sẽ tập trung triển khai, thưa ông?

Trước mắt, các hướng chuyên môn chính của Công viên CNC&ĐSMT gồm: Công nghệ thông tin, ứng dụng AI & IOT, chuyển đổi số; Công nghệ chip, bán dẫn và linh kiện tiên tiến; Công nghệ sinh học phục vụ nông nghiệp và khoa học sức khoẻ; Nông nghiệp công nghệ cao và chuyển đổi xanh; Công nghệ môi trường và phát triển bền vững; Công nghệ hoá học; Vật liệu tiên tiến; Năng lượng; Công nghệ Lượng tử và ứng dụng.

Hiện nay, ĐHQGHN đã đa dạng hoá các nguồn vốn để đầu tư cơ sở vật chất và tăng cường năng lực cho Công viên Công nghệ cao và Đổi mới sáng tạo tại khu nghiên cứu liên ngành với tổng diện tích 22,9ha, quy mô 110.000m2 sàn nhằm phát triển tổ hợp nghiên cứu tiên tiến tập trung vào công nghệ lõi, công nghệ mũi nhọn hướng đến các hình thành các sản phẩm KHCN có tính ứng dụng thực tiễn cao, có tiềm năng chuyển giao và thương mại hoá trở thành các sản phẩm quốc gia phục vụ phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Trong năm 2025, Công viên CNC&ĐSMT dự kiến phát triển mới các trung tâm nghiên cứu xuất sắc gồm: Viện ứng dụng Trí tuệ nhân tạo, Viện Công nghệ bán dẫn và Vật liệu tiên tiến, Viện Tế bào gốc và Y học tái tạo, Viện Công nghệ môi trường, Viện Nghiên cứu lượng tử.

Xin ông cho biết những nhiệm vụ chính mà Công viên sẽ tập trung triển khai?

Công viên được xây dựng và phát triển với mục tiêu trở thành trung tâm khoa học và công nghệ thông minh, hiện đại, dẫn đầu các xu thế, tạo ra của các phát minh, sáng chế mang thương hiệu quốc gia. Để đạt được mục tiêu này, Ban Giám đốc ĐHQGHN giao 03 nhiệm vụ chính:

Thứ nhất, đây là nơi thu hút nguồn lực và tạo điều kiện thuận lợi cho nghiên cứu phát triển (R&D), đào tạo, ươm tạo, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, chuyển giao công nghệ, sản xuất sản phẩm công nghệ cao trong các lĩnh vực trọng điểm, mũi nhọn theo định hướng phát triển của ĐHQGHN.

Thứ hai, Công viên là môi trường lý tưởng để thu hút nhân lực chất lượng cao, các chuyên gia trong nước và quốc tế, nâng cao năng lực nội sinh về KHCN để đào tạo, nghiên cứu, sáng tạo và chuyển giao công nghệ cho sản xuất, ươm tạo các doanh nghiệp công nghệ cao góp phần hình thành một lực lượng sản xuất hiện đại đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Thứ ba, đây là đầu mối kết nối hợp tác giữa viện nghiên cứu – đại học – doanh nghiệp trong và ngoài nước; gắn kết giữa đào tạo – nghiên cứu – sản xuất để tạo ra các sản phẩm mang thương hiệu Việt và cũng là nơi để kết nối Việt Nam với thế giới trên cơ sở kết hợp có hiệu quả giữa sản xuất kinh doanh với nghiên cứu, tiếp nhận và chuyển giao tri thức, ứng dụng và phát triển công nghệ cao, tạo động lực thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Tạo lập môi trường kiến tạo, hỗ trợ và đồng hành cùng các nhà khoa học

Như ông đã chia sẻ ngay từ đầu thì Công viên là một mô hình tổ chức mới, chưa có tiền lệ trong các cơ sở giáo dục đại học ở Việt Nam. Vậy mô hình này sẽ phát huy, tập trung và “cộng hưởng” các nguồn lực và tiềm lực KHCN ở ĐHQGHN như thế nào?

ĐHQGHN là trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học, đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao, trình độ cao hàng đầu cả nước, thuộc nhóm 1.000 đại học hàng đầu thế giới. Với đội ngũ cán bộ khoa học mạnh, ĐHQGHN đã và đang phát triển nhiều lĩnh vực KHCN quan trọng, then chốt cả về hàn lâm và ứng dụng.

Hệ thống phòng Lab hiện đại của Trường ĐH Việt Nhật, ĐHQGHN tại Hòa Lạc

ĐHQGHN hiện có 12 trường đại học thành viên và trực thuộc, 05 viện nghiên cứu, 213 phòng thí nghiệm (PTN) ở các lĩnh vực, trong đó có 01 PTN trọng điểm cấp nhà nước, 10 PTN trọng điểm cấp ĐHQGHN, 45 nhóm nghiên cứu mạnh cấp ĐHQGHN với các tiêu chí về chất lượng tương đương với nhóm nghiên cứu mạnh cấp quốc gia, một số tiệm cận quốc tế. Bản thân các đơn vị thành viên, đơn vị trực thuộc ĐHQGHN đều là các cơ sở giáo dục, đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao tri thức có uy tín, vị thế cao không chỉ trong nước mà còn ở tầm khu vực và quốc tế. Việc thành lập Công viên như một hub /platform trong lĩnh vực KHCN, ĐHQGHN mong muốn sẽ cung cấp thêm một kênh nữa để hỗ trợ các trường, viện nghiên cứu và các nhà khoa học, nhóm nghiên cứu.

Hệ thống phòng thí nghiệm tiên tiến của Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐHQGHN

Đối với các trường, viện thì việc ĐHQGHN đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dùng chung đặc biệt là hệ thống máy móc hiện đại theo hướng liên ngành, liên lĩnh vực đặt tại Công viên sẽ giúp các đơn vị tiết kiệm chi phí đầu tư mà lại có thêm các điều kiện tốt để đào tạo đặc biệt là đào tạo sau đại học cũng như thực hiện các nghiên cứu chuyên sâu, gia tăng các kết quả và hiệu quả hoạt động khoa học công nghệ của đơn vị. Các đơn vị cùng khai thác cơ sở vật chất sẽ giúp tăng cường hiệu quả sử dụng, tối ưu hoá nguồn lực, tiết kiệm chi phí, chống lãng phí và lại có kinh phí để duy tu, bảo dưỡng, nâng cấp trong quá trình sử dụng.

Đối với các nhà khoa học, nhóm nghiên cứu thì sẽ có thêm cơ hội hợp tác với các chuyên gia trong và ngoài nước để giải quyết các bài toán lớn, phát triển chuyên môn, thoả mãn đam mê nghiên cứu khoa học, làm chủ công nghệ trên cơ sở khai thác, sử dụng hệ thống cơ sở vật chất, máy móc hiện đại dùng chung tại Công viên. Khi đó giống như nhiều trường đại học ở các nước tiên tiến trên thế giới, các nhà khoa học sẽ là giảng viên cơ hữu của các đơn vị, giảng dạy chuyên môn tại trường và kiêm nhiệm nghiên cứu tại các phòng thí nghiệm, viện nghiên cứu của công viên. Các sản phẩm KHCN (bài báo, sáng chế, giải pháp hữu ích…) tạo ra vẫn là của đơn vị, được tính KPIs và thành tích thi đua của đơn vị.

ĐHQGHN sẽ thực hiện những chính sách ưu việt nào để Công viên thực sự trở thành một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, giải phóng sức sáng tạo của các nhà khoa học, khơi thông các nguồn lực tạo ra các sản phẩm nghiên cứu chủ lực của đất nước, thưa ông?

ĐHQGHN luôn chú trọng phát triển các chính sách đột phá gắn với phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. ĐHQGHN sẽ áp dụng cơ chế đầu tư vun cao, đầu tư trọng điểm thông qua Công viên cho các nhà khoa học và nhóm nghiên cứu có định hướng ứng dụng, nghiên cứu theo đặt hàng của doanh nghiệp hoặc có công nghệ lõi và ươm tạo sản phẩm chiến lược (ĐHQGHN đang xem xét thí điểm cho phép nhà khoa học chủ trì hơn 01 nhiệm vụ khoa học miễn là cam kết hoàn thành nhiệm vụ về tiến độ, chất lượng sản phẩm theo quy định).

Một trong những khó khăn và tốn thời gian nhất của các nhà khoa học là phải thực hiện các thủ tục hành chính, quy trình thanh quyết toán và giải ngân kinh phí triển khai các nhiệm vụ khoa học. Vấn đề này sẽ được Công viên hỗ trợ tối đa và có nhân sự chuyên trách đảm nhiệm để các nhà khoa học yên tâm, tập trung làm công tác chuyên môn.

Bên cạnh đó, Công viên sẽ là một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, ngoài các tổ chức KHCN còn có các tổ chức trung gian, các đơn vị dịch vụ/phục vụ, các quỹ, nhà đầu tư, các doanh nghiệp nên việc các nhà khoa học, nhóm nghiên cứu hoạt động chuyên môn tại đây sẽ tăng cường kết nối (networking), gắn kết chặt chẽ nghiên cứu với thị trường và giải quyết các vấn đề mang tính thực tiễn, hợp tác sâu rộng với doanh nghiệp, thu hút đầu tư tư nhân vào R&D, thúc đẩy chuyển giao và thương mại hoá các sản phẩm KHCN, phát triển các doanh nghiệp spinoff/startup…

Hiện nay, Công viên CNC&ĐSMT đang tập hợp các ý kiến của các nhà khoa học, nhóm nghiên cứu để báo cáo Ban Thường vụ Đảng uỷ, Ban Giám đốc ĐHQGHN cơ chế thí điểm các chính sách mới nhằm tháo gỡ các rào cản, khó khăn để giải phóng sức sáng tạo của các nhà khoa học, khơi thông các nguồn lực và thu hút đầu tư vào R&D để phát triển các công nghệ lõi, các sản phẩm chiến lược. Một số đề xuất đang được đệ trình xem xét để thu hút chuyên gia nước ngoài, chuyên gia quá tuổi, chuyên gia ngoài ĐHQGHN tham gia chuyên môn với tư cách chuyên gia cao cấp (Adjunct/ visiting/ fellow professor, senior lecturer) hoặc tham gia cố vấn, quản lý (đồng viện trưởng, đồng giám đốc phòng thí nghiệm trọng điểm); chính sách “đồng cơ hữu” đối với các chuyên gia, nhà khoa học đang làm việc tại các trường/viện của ĐHQGHN; thí điểm các chính sách về đầu tư, cấp kinh phí, tăng cường năng lực cho các nhà khoa học, nhóm nghiên cứu mạnh; chính sách về tinh giảm thủ tục hành chính, phương thức quản lý nhiệm vụ khoa học công nghệ… Đặc biệt, ĐHQGHN đang xem xét áp dụng Sandbox theo tinh thần của Nghị quyết 57 ở Công viên. Sandbox là một khung cơ chế chế, chính sách thí điểm cho phép các viện, trung tâm nghiên cứu, các doanh nghiệp thử nghiệm các công nghệ mới, mô hình kinh doanh mới (mà chưa biết quản lý thế nào) trong môi trường thực tiễn nhưng có kiểm soát về phạm vi và thời gian, dưới sự giám sát của cơ quan quản lý và có phương án dự phòng rủi ro phù hợp.

ĐHQGHN tin tưởng rằng, Công viên sẽ là một môi trường tốt mang tính kiến tạo, hỗ trợ và đồng hành cùng các nhà khoa học, nhóm nghiên cứu, các trường/viện và các đối tác cùng chung tay góp sức để phát triển ĐHQGHN, phát triển nền khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo nước nhà.

Trân trọng cảm ơn ông!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *