Ngày 27/3/2025, ĐHQGHN tổ chức chương trình đối thoại chính sách khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo lần thứ nhất năm 2025. Đây là diễn đàn chia sẻ, cập nhật thông tin về chính sách khoa học công nghệ (KH&CN) của ĐHQGHN và các bộ, ngành liên quan; đồng thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai chính sách KH&CN và đề xuất các giải pháp, kiến nghị.
Giám đốc ĐHQGHN Lê Quân, Phó Giám đốc ĐHQGHN Đào Thanh Trường, Phó Giám đốc ĐHQGHN Phạm Bảo Sơn đồng chủ trì phiên đối thoại.
Tham dự chương trình có các giáo sư, đại diện các hội đồng chuyên môn, lãnh đạo Văn phòng, các ban chức năng, đại diện lãnh đạo các đơn vị thành viên và trực thuộc ĐHQGHN, lãnh đạo phòng/bộ phận KHCN, đại diện nhóm nghiên cứu mạnh, phòng thí nghiệm/trung tâm nghiên cứu trọng điểm cấp ĐHQGHN.

Tại phiên đối thoại, Trưởng ban Khoa học & Đổi mới sáng tạo Trần Thị Thanh Tú đã điểm lại kết quả của phiên đối thoại lần thứ ba năm 2024 được tổ chức vào tháng 12/2024.
Trong năm qua, ĐHQGHN công bố hơn 2.000 bài báo trên hệ thống WoS/Scopus, tăng 16% so với năm 2023. Trong đó, có 1.267 bài thuộc nhóm Q1, Q2, chiếm 70% tổng số bài báo quốc tế. Một số đơn vị có sự tăng trưởng nhanh về công bố quốc tế như Trường Quốc tế (273 bài), vươn lên vị trí thứ ba sau Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (582 bài) và Trường ĐH Công nghệ (332 bài). Các đơn vị thuộc khối KHXH&NV cũng đang bắt nhịp với xu thế chung. Năm 2024, có 69 đơn đăng ký sáng chế, giải pháp hữu ích được chấp nhận.
Chính sách hỗ trợ tài chính cho cán bộ khoa học xuất sắc của ĐHQGHN đã thu hút 50 cán bộ với 208 công trình vượt trội, gồm 144 bài báo (2 bài thuộc Top 1%, 19 bài Top 5%, 64 bài Q1, 59 bài Q2) và 64 đơn sở hữu trí tuệ. Chính sách này góp phần khuyến khích nhà khoa học nâng cao chất lượng công bố và tạo động lực nghiên cứu.
Hiện nay, ĐHQGHN có 45 nhóm nghiên cứu mạnh, gồm 28 nhóm nghiên cứu cơ bản, 15 nhóm nghiên cứu ứng dụng và 02 nhóm định hướng thương mại hoá, khởi nghiệp. Các nhóm này đáp ứng các tiêu chí tương đương nhóm nghiên cứu mạnh cấp Nhà nước, hướng tới sản phẩm KH&CN chủ lực, mang thương hiệu ĐHQGHN. Năm 2023, có 11 nhóm được khen thưởng vì thành tích nổi bật (trung bình 2,1 bài báo/cán bộ/năm). Năm 2024, con số này tăng lên 18 nhóm, với hiệu suất trung bình 3,3 bài báo/cán bộ/năm. Những con số này cho thấy nỗ lực và tiềm năng nghiên cứu vượt trội của đội ngũ khoa học ĐHQGHN.

ĐHQGHN luôn tạo điều kiện tốt nhất để hỗ trợ các nhà khoa học, đặc biệt là các nhà khoa học trẻ và nhóm nghiên cứu mạnh, phát triển các nhiệm vụ đột phá trong KH&CN. Chính sách ưu tiên hiện nay tập trung vào các lĩnh vực công nghệ trọng điểm, liên ngành, nhằm nâng cao chất lượng công bố quốc tế và thúc đẩy chuyển giao công nghệ.
Để triển khai hiệu quả Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết 03/NQ-CP của Chính phủ, ĐHQGHN đã thành lập Công viên Công nghệ cao và Đổi mới sáng tạo (VNU-TIP) theo Quyết định số 189/QĐ-ĐHQGHN. Mô hình này nhằm tập trung nguồn lực, đẩy mạnh hợp tác quốc tế và với doanh nghiệp, hướng đến đầu tư phát triển công nghệ lõi.
Năm 2025, ĐHQGHN dự kiến đầu tư 100 tỉ đồng vào các hướng nghiên cứu ưu tiên như: AI & IoT, công nghệ bán dẫn, sinh học nông nghiệp & y tế, nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ môi trường, hóa học, vật liệu tiên tiến, năng lượng và lượng tử. Đồng thời, phát triển mới 5 viện nghiên cứu gồm: Viện Trí tuệ nhân tạo, Viện Công nghệ bán dẫn, Viện Tế bào gốc, Viện Công nghệ môi trường và Viện Nghiên cứu lượng tử, hướng tới trở thành các trung tâm nghiên cứu xuất sắc.
Cùng với đó, ĐHQGHN cũng đang đa dạng hoá nguồn vốn đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng với tổng diện tích 22,9 ha tại khu nghiên cứu liên ngành, nhằm hình thành tổ hợp nghiên cứu công nghệ cao, phục vụ phát triển các sản phẩm KH&CN có tính ứng dụng và thương mại hoá cao.
Mới đây, ĐHQGHN đã ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 57-NQ/TW và Nghị quyết 03/NQ-CP, tập trung vào 4 nhóm nhiệm vụ trọng tâm với các chỉ tiêu và sản phẩm cụ thể.
Trưởng ban Khoa học và Đổi mới sáng tạo cũng cho biết thêm, Nghị quyết số 193/2025/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia là một bước tiến pháp lý quan trọng giúp gỡ bỏ rào cản trong nghiên cứu, thúc đẩy sáng tạo. Trưởng ban Trần Thị Thanh Tú kêu gọi cộng đồng nhà khoa học ĐHQGHN hành động quyết liệt hơn, gắn nghiên cứu với thực tiễn, các bài toán của doanh nghiệp, tạo ra sản phẩm có khả năng chuyển giao, đóng góp thiết thực vào phát triển kinh tế và hướng tới mục tiêu quốc gia phát triển vào năm 2045.

Phát biểu tại buổi đối thoại, Giám đốc ĐHQGHN Lê Quân nhấn mạnh ba yếu tố then chốt để thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ trong bối cảnh thực hiện Nghị quyết 57-NQ/TW. Giám đốc ĐHQGHN cho rằng, việc xác định đề bài nghiên cứu là thách thức lớn nhất, đòi hỏi sự kết nối chặt chẽ giữa nhà khoa học, cơ quan quản lý, doanh nghiệp và nhu cầu xã hội, đồng thời phải chứng minh được giá trị thực tiễn và khả năng chuyển giao.
Về nguồn lực, Giám đốc Lê Quân cho biết bên cạnh ngân sách nhà nước, cần huy động thêm từ địa phương và doanh nghiệp. Giám đốc Lê Quân chia sẻ mô hình hợp tác công tư trong đó doanh nghiệp đặt trung tâm nghiên cứu & phát triển (R&D) tại ĐHQGHN tận dụng cơ sở vật chất và nguồn nhân lực chất lượng cao để cùng nghiên cứu, phát triển sản phẩm có khả năng chuyển giao cao. Ông cũng thông tin về mục tiêu tăng tổng chi cho khoa học công nghệ của ĐHQGHN trong thời gian tới, đồng thời thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp thông qua việc thành lập các doanh nghiệp spin-off và Vườn ươm Doanh nghiệp Khoa học Công nghệ.
Giám đốc ĐHQGHN cũng nhấn mạnh vai trò của cơ chế thông thoáng, minh bạch trong khoa học công nghệ và loại bỏ các cơ chế “xin cho”, tạo điều kiện tốt nhất cho các nhà khoa học tiếp cận nguồn lực và triển khai nghiên cứu. Giám đốc cũng bày tỏ hy vọng về việc thành lập quỹ khoa học công nghệ của ĐHQGHN để chủ động hơn trong việc phân bổ nguồn lực cho các chương trình nghiên cứu dài hạn; đồng thời thúc đẩy môi trường nghiên cứu tại Công viên Công nghệ cao ĐHQGHN – nơi tạo điều kiện cho nhà khoa học dẫn dắt các nhóm nghiên cứu, được hỗ trợ toàn diện và kết nối với doanh nghiệp để chuyển giao công nghệ và phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp.

Các nhà khoa học tham gia buổi đối thoại đã được Giám đốc ĐHQGHN Lê Quân, Phó Giám đốc ĐHQGHN Đào Thanh Trường, Phó Giám đốc ĐHQGHN Phạm Bảo Sơn, Trưởng ban Khoa học và Đổi mới sáng tạo Trần Thị Thanh Tú giải đáp các băn khoăn xoay quanh việc thực hiện các chính sách KH&CN trong thời gian qua.
Tại buổi đối thoại, các nhà khoa học tập trung thảo luận về các giải pháp nhằm đổi mới và nâng cao chất lượng nghiên cứu, đào tạo tại ĐHQGHN, trong đó nhấn mạnh vai trò của khoa học cơ bản, trí tuệ nhân tạo (AI) và chuyển đổi số.

PGS.TS Trần Quốc Bình – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Tự nhiên đề xuất cần chủ động xây dựng cơ chế riêng cho khoa học cơ bản, lồng ghép lợi thế của ĐHQGHN và kiến nghị với Bộ KH&CN. Với nghiên cứu ứng dụng, ông nhấn mạnh việc đầu tư đồng bộ cho các xưởng thực hành, thu hút kỹ sư giàu kinh nghiệm và liên kết doanh nghiệp để hiện thực hóa ý tưởng của nhà khoa học. Ông cũng gợi mở hướng nghiên cứu về năng lượng hạt nhân – lĩnh vực còn nhiều tiềm năng tại Việt Nam.

PGS.TS Vũ Thị Thơm, Trường ĐH Y Dược, ĐHQGHN chia sẻ những khó khăn trong nghiên cứu khoa học hiện nay do nguồn lực hạn chế, cơ chế tài chính bất cập và thiếu gắn kết với thực tiễn. Bà cho rằng nhiều đề tài xuất phát từ đam mê cá nhân và chuyên môn của nhà khoa học, tuy nhiên vẫn còn những nghiên cứu khả năng ứng dụng thực tiễn còn yếu. PGS.TS Vũ Thị Thơm cũng chỉ ra những vướng mắc trong cơ chế tài chính gây ảnh hưởng đến tiến độ nghiên cứu và ứng dụng sản phẩm và đề xuất cần điều chỉnh các chính sách linh hoạt hơn để tạo điều kiện cho đội ngũ nghiên cứu và giảng viên được phát triển chuyên môn một cách bền vững, thúc đẩy nghiên cứu gắn với đời sống và nhu cầu xã hội.

TS. Phạm Tiến Đức, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐHQGHN đánh giá cao tác động tích cực của chính sách hỗ trợ công bố vượt trội được triển khai thí điểm từ năm 2024 tới các nhà khoa học trẻ và đề nghị tiếp tục triển khai trong các năm tới. Ông cũng đề xuất ĐHQGHN tiếp tục triển khai chính sách hỗ trợ học bổng cho người học ở bậc sau đại học như thạc sĩ, nghiên cứu sinh và thực tập sinh sau tiến sĩ, nhằm tạo điều kiện cho các nhà khoa học hợp tác quốc tế và phát triển nghiên cứu chuyên sâu.

Trao đổi lại ý kiến của TS. Phạm Tiến Đức liên quan đến chính sách hỗ trợ công bố vượt trội, Phó Giám đốc ĐHQGHN Phạm Bảo Sơn cho biết, sau thời gian thí điểm, ĐHQGHN sẽ tổng kết, lấy ý kiến từ các nhà quản lý, nhà khoa học để đánh giá hiệu quả, từ đó quyết định có tiếp tục triển khai hay cần điều chỉnh, bổ sung. Về học bổng đối với nghiên cứu sinh, thực tập sinh sau tiến sĩ, Phó Giám đốc Phạm Bảo Sơn cho rằng cần đa dạng hóa nguồn hỗ trợ, đưa kinh phí hỗ trợ thực tập sinh sau tiến sĩ vào ngân sách dành cho hoạt động khoa học và công nghệ.

Phó Giám đốc Đào Thanh Trường cho biết, ĐHQGHN đang đẩy mạnh gắn kết nghiên cứu và đào tạo, nhất là bậc sau đại học. ĐHQGHN đang xây dựng Quy chế đào tạo tiến sĩ theo hướng đột phá với nhiều đổi mới như rút ngắn thời gian đào tạo, tăng cường thực tập trong và ngoài nước cùng các chính sách tài chính thuận lợi nhờ Nghị quyết 57-NQ/TW và Nghị quyết 193/2025/QH15 mới ban hành.

Đề xuất ưu tiên cấp đề tài cho nhà khoa học nữ dưới 45 tuổi được Giám đốc ĐHQGHN Lê Quân đánh giá có tính khả thi. Các quy định liên quan đến độ tuổi được đề xuất điều chỉnh linh hoạt hơn, đặc biệt với đề tài nhỏ và các nhóm nghiên cứu mạnh. Đồng thời, cần ưu tiên kinh phí cho nghiên cứu cơ bản và tháo gỡ vướng mắc trong triển khai đề tài mới.
Về hợp tác quốc tế, ĐHQGHN đang mở rộng liên kết với các đại học lớn như: ĐH Bắc Kinh (Trung Quốc), ĐH Thanh Hoa (Trung Quốc), ĐHQG Quan hệ Quốc tế Moskva – MGIMO (Nga) trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, truyền thông, marketing, quản trị kinh doanh. Nhiều chương trình học bổng và hợp tác nghiên cứu đang được triển khai, nhất là trong các ngành liên ngành mới như truyền thông lượng tử, an ninh mạng…

Cùng với đó, các nhà khoa học trao đổi nhiều vấn đề then chốt liên quan đến phát triển nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, cơ chế tài chính và hợp tác với doanh nghiệp tại ĐHQGHN. Trong đó, Nghị quyết 57-NQ/TW được đánh giá là một bước tiến quan trọng với tiềm năng mở rộng nguồn lực và cơ chế linh hoạt hơn cho hoạt động nghiên cứu. Tuy nhiên, các ý kiến cho rằng cần mở rộng chính sách mời chuyên gia quốc tế về tham gia xây dựng chiến lược và hội đồng khoa học, thay vì chỉ đưa nhà khoa học trẻ ra nước ngoài.

Các nhà khoa học kiến nghị cần xây dựng cơ chế tài chính ổn định để tạo niềm tin và điều kiện cho việc lập kế hoạch nghiên cứu dài hạn. Việc thu hút nhà khoa học giỏi vẫn vướng mắc do hạn chế nguồn lực, trong khi mức học phí hiện hành chưa đủ đảm bảo cho đào tạo chất lượng cao và thuê chuyên gia quốc tế.
Trong lĩnh vực hợp tác doanh nghiệp và chuyển giao công nghệ, mô hình đầu mối kết nối như Câu lạc bộ Nhà khoa học ĐHQGHN được đề xuất nhằm tăng đối thoại giữa nhà khoa học và doanh nghiệp, từ đó xác định rõ các nhu cầu thực tiễn để phát triển đề tài có tính ứng dụng. Việc thành lập các đơn vị trung gian có hiểu biết cả hai phía – khoa học và doanh nghiệp – được cho là cần thiết để tăng hiệu quả kết nối và chuyển giao. Dù thị trường khoa học công nghệ trong nước còn manh mún, Nghị quyết 57-NQ/TW được kỳ vọng sẽ tạo cú hích thúc đẩy hợp tác công – tư, cũng như đổi mới mô hình đầu tư giữa ĐHQGHN và khu vực tư nhân.

Trong khuôn khổ chương trình, GS.TS Lê Quân – Giám đốc ĐHQGHN, Chủ tịch CLB Nhà khoa học ĐHQGHN đã trao quyết định cử PGS.TS Đào Thanh Trường – Phó Giám đốc ĐHQGHN kiêm giữ chức danh Phó Chủ tịch Thường trực Câu lạc bộ Nhà khoa học ĐHQGHN và ra mắt Ban Điều hành CLB Nhà khoa học với 21 thành viên, GS.TS Trần Thị Thanh Tú – Trưởng ban Khoa học và Đổi mới sáng tạo giữ vị trí Trưởng ban Điều hành.
Cũng tại chương trình đối thoại, ĐHQGHN đã ra mắt chuyên trang Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo – kênh thông tin về các hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của ĐHQGHN.
