Ngày 13/02/2025, ĐHQGHN đã ban hành Quyết định số 720/QĐ-ĐHQGHN về việc thành lập Ban Chỉ đạo của ĐHQGHN thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 03/NQ-CP của Chính phủ gồm 26 thành viên do Bí thư Đảng ủy, Giám đốc ĐHQGHN Lê Quân làm Trưởng ban; Phó Giám đốc ĐHQGHN Phạm Bảo Sơn làm Phó Trưởng ban thường trực; Trưởng ban Khoa học và Đổi mới sáng tạo Trần Thị Thanh Tú và Giám đốc Công viên Công nghệ cao và Đổi mới sáng tạo Trương Ngọc Kiểm làm Phó Trưởng ban.

Ban Chỉ đạo có nhiệm vụ chỉ đạo thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 03/NQ-CP của Chính phủ. Ban Chỉ đạo tự giải thể sau khi hoàn thành nhiệm vụ.
Để triển khai Nghị quyết 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia và thực hiện sứ mệnh, tầm nhìn và chiến lược phát triển ĐHQGHN trong thời gian tới, ĐHQGHN đã thành lập Công viên công nghệ cao và đổi mới sáng tạo nhằm tập trung nguồn lực đẩy mạnh hợp tác quốc tế, hợp tác với doanh nghiệp trong và ngoài nước, đầu tư để phát triển các hướng nghiên cứu lĩnh vực ưu tiên.
Công viên Công nghệ cao và Đổi mới sáng tạo là một tổ hợp gồm các đơn vị nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và đơn vị hỗ trợ, dịch vụ: Viện Công nghệ Thông tin, Viện Tài nguyên và Môi trường, Viện Vi sinh vật và Công nghệ sinh học, Trung tâm Chuyển giao tri thức và Hỗ trợ khởi nghiệp, Trung tâm Dự báo và Phát triển nguồn nhân lực, Trung tâm Hỗ trợ sinh viên.
Giám đốc ĐHQGHN Lê Quân cho rằng, Nghị quyết số 57-NQ/TW đã định hướng và chỉ ra giải pháp để thực hiện một phương thức sản xuất kiểu mới của Việt Nam trong kỷ nguyên mới, đó là phát triển dựa vào khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo gắn với chuyển đổi số.

GS.TS Lê Quân, Giám đốc ĐHQGHN phát biểu tại Hội nghị phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và nhân lực chất lượng cao thúc đẩy tăng trưởng kinh tế
Mới đây, tại Hội nghị phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và nhân lực chất lượng cao thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, Giám đốc ĐHQGHN Lê Quân đã chỉ ra thực trạng cơ chế tài chính cho hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo còn nhiều bất cập, chồng chéo. Từ đó, đề xuất một số giải pháp về đổi mới cơ chế tài chính nhằm thúc đẩy hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Cụ thể là:
- Thiết lập cơ chế đầu tư khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo theo hướng dài hạn, hạn chế phân mảnh, nhỏ giọt. Cụ thể như đầu tư cho các nhiệm vụ KH&CN từ 3 đến 5 năm theo chu kỳ/vòng đời nghiên cứu; chỉ thanh quyết toán 01 lần đối với mỗi nhiệm vụ – như cơ chế đầu tư đối với dự án đầu tư – có tính đến rủi ro, đầu tư dài hạn, giải ngân theo giai đoạn nghiên cứu, thanh quyết toán khi kết thúc dự án.
- Đẩy mạnh cơ chế tự chủ tự chịu trách nhiệm của tổ chức chủ trì và nhà khoa học: Thực hiện cơ chế tự báo cáo về chuyên môn và tài chính theo định kỳ của tổ chức chủ trì và nhà khoa học (cơ quan quản lý chỉ hậu kiểm khi cần thiết); cho phép linh hoạt trong sử dụng nguồn tài chính để triển khai thực hiện nhiệm vụ (có thể tự ứng trước, vay mượn để thực hiện trước khi được cấp từ cơ quan quản lý); bớt các khâu kiểm tra trung gian và chỉ đánh giá dựa vào kết quả cuối cùng.
- Thực hiện mạnh mẽ và đồng bộ cơ chế Quỹ trong đầu tư cho nhiệm vụ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Như vậy cần hình thành nhiều Quỹ đầu tư KH&CN theo các hướng khác nhau, phục vụ các mục tiêu khác nhau như hướng nghiên cứu mới tiên phong; huớng nghiên cứu kế thừa, làm chủ công nghệ; hướng nghiên cứu tạo ra sản phẩm, mang tính ứng dụng; hướng nghiên cứu tư vấn chính sách, tư vấn chiến lược quốc gia,…
- Thúc đẩy cơ chế để có thể tăng cường đầu tư xã hội hóa vào khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo như:
- Hình thành các quỹ đầu tư mạo hiểm theo hình thức hợp tác công tư (PPP): Trong mô hình này, nhà nước đầu tư vốn mồi để nghiên cứu trong phòng thí nghiệm. Kết thúc giai đoạn này, các quỹ đầu tư mạo hiểm và khối tư nhân có vai trò quan trọng, tham gia đầu tư giai đoạn tiếp theo, cho đến khi ra được sản phẩm cuối cùng, như vậy sẽ giảm rủi ro cho nhà nước, tăng vai trò và sự quan tâm của khu vực tư, thúc đẩy chuyển giao, thương mại hóa. Muốn vậy, cần sửa đổi các quy định về định giá tài sản trí tuệ (cho phép tổ chức chủ trì tự định giá và miễn trừ trách nhiệm hình sự, hành chính); quy định về quản lý cán bộ, viên chức,…
- Hình thành các Quỹ KH&CN của tư nhân, cho phép sử dụng nguồn lực con người trong Viện/trường nghiên cứu công lập, làm việc theo đặt hàng của doanh nghiệp theo hợp đồng, đảm bảo quyền lợi của nhà khoa học, giảm rủi ro cho ngân sách nhà nước, tăng vai trò/sự tham gia của tư nhân phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.