Trong hai ngày 18 & 19/5/2025, ĐHQGHN đã tổ chức tọa đàm “Định hướng chiến lược nghiên cứu khoa học và đào tạo nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn”.

Phó Giám đốc ĐHQGHN Phạm Bảo Sơn dự và phát biểu tại tọa đàm.

Cùng dự có bà Nguyễn Bích Yến – chuyên gia cao cấp Tập đoàn Soitec (Pháp), các nhà khoa học đầu ngành, Ban Chủ nhiệm Chương trình KH&CN trọng điểm “Nghiên cứu thiết kế, chế tạo chip thế hệ mới và thiết bị thông minh, góp phần thúc đẩy phát triển công nghiệp theo hướng hiện đại” cùng đại diện các nhóm nghiên cứu liên quan tới lĩnh vực chip bán dẫn tại các đơn vị đào tạo, nghiên cứu trọng điểm.

Tọa đàm là dịp để ĐHQGHN sơ kết 1 năm thực hiện Chương trình KH&CN trọng điểm “Nghiên cứu thiết kế, chế tạo chip thế hệ mới và thiết bị thông minh, góp phần thúc đẩy phát triển công nghiệp theo hướng hiện đại” với tổng kinh phí 90 tỷ đồng.

Sau gần 1 năm triển khai, chương trình đã phê duyệt 15 nhiệm vụ trọng điểm với kinh phí cấp 15,7 tỷ đồng. Nổi bật là các sản phẩm khoa học như chip cảm biến Raman, vi mạch ROIC, chip sinh học phát hiện độc tố botulinum, lõi IP vi xử lý RISC-V công suất thấp… Trong đợt triển khai đầu tiên này, thông qua các nhiệm vụ đã được phê duyệt, chương trình dự tính sẽ công bố 24 bài báo quốc tế trên các tạp chí WoS/Scopus và đăng ký 4 đơn sở hữu trí tuệ (giải pháp hữu ích, sáng chế).

Bên cạnh đó, chương trình cũng dự kiến đào tạo 8 nghiên cứu sinh và 7 học viên cao học, phát triển 5 bộ học liệu chuyên ngành, đồng thời hỗ trợ 13 đoàn công tác học tập kinh nghiệm xây dựng phòng thí nghiệm chip tại Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản, thông qua các nhiệm vụ đã ký hợp đồng trong năm đầu tiên.

Đặc biệt, nhiều nhiệm vụ nghiên cứu sẽ đóng góp xây dựng Báo cáo khả thi Dự án đầu tư xây dựng Trung tâm hỗ trợ thiết kế, chế tạo và đo kiểm vi mạch quốc gia tại ĐHQGHN – một trong những dự án trọng điểm được giới thiệu tại tọa đàm.

Dự án xây dựng Trung tâm hỗ trợ thiết kế, chế tạo và đo kiểm vi mạch quốc gia được kỳ vọng trở thành đầu tàu về nghiên cứu và đào tạo công nghệ vi mạch với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 1.500 tỷ đồng. Trung tâm sẽ tập trung vào bốn lĩnh vực chính: thiết kế, chế tạo, đóng gói – kiểm thử và phát triển ứng dụng chip bán dẫn.

Dự án đầu tư một cơ sở hạ tầng hiện đại bao gồm phòng sạch đạt chuẩn quốc tế, thiết bị chế tạo vi mạch tiên tiến, phần mềm thiết kế EDA hàng đầu thế giới như Synopsys, Cadence, Siemens EDA, cùng hệ thống mô phỏng hiệu năng cao. Đây sẽ là nơi đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, thúc đẩy nghiên cứu sáng tạo, ươm tạo doanh nghiệp khởi nghiệp và chuyển giao công nghệ.

Dự án tăng cường phòng thí nghiệm bán dẫn cấp cơ sở tại Trường ĐH Khoa học Tự nhiên tập trung đầu tư trang thiết bị và nâng cấp phòng thí nghiệm nhằm phục vụ công tác đào tạo thực hành, nghiên cứu trong lĩnh vực công nghiệp bán dẫn. Trường Đại học Khoa học Tự nhiên hiện đã có nhiều nhóm nghiên cứu mạnh với năng lực vi chế tạo chip, phát triển các sản phẩm như chip ảnh nhiệt CMOS, chip vi làm lạnh, thiết bị vi lưu…

Phòng thí nghiệm mới sẽ mở rộng năng lực nghiên cứu và đào tạo đại học, thạc sĩ, tiến sĩ, đồng thời thúc đẩy hợp tác quốc tế với các trường đại học hàng đầu như NYCU (Đài Loan), Đại học Arizona (Mỹ), JAIST (Nhật Bản)…

Tọa đàm tập trung thảo luận với các nội dung trọng tâm: Định hướng các sản phẩm chiến lược và ưu tiên phát triển trong thời gian tới; Lựa chọn trang thiết bị công nghệ chế tạo chip, đề xuất giải pháp kỹ thuật cho Trung tâm hỗ trợ thiết kế, chế tạo và đo kiểm vi mạch quốc gia tại ĐHQGHN; Mô hình tổ chức, vận hành và cơ chế quản lý hiệu quả phòng thí nghiệm và các nhiệm vụ nghiên cứu.

Trao đổi tại tọa đàm, bà Nguyễn Bích Yến, chuyên gia Tập đoàn Soitec, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc kết nối nghiên cứu với nhu cầu thực tiễn trong các lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, y tế và môi trường. Bà cũng đề xuất tập trung phát triển các mảng công nghệ cốt lõi như đóng gói tiên tiến, cảm biến, RF, MCU – mở ra tiềm năng ứng dụng rộng lớn.

Phó Giám đốc ĐHQGHN Phạm Bảo Sơn khẳng định, đây là lần đầu tiên ĐHQGHN có chương trình nghiên cứu trọng điểm và dự án đầu tư quy mô lớn cho ngành công nghiệp bán dẫn, đánh dấu bước tiến chiến lược trong phát triển công nghệ cao.

Ban Chủ nhiệm Chương trình KH&CN trọng điểm “Nghiên cứu thiết kế, chế tạo chip thế hệ mới và thiết bị thông minh, góp phần thúc đẩy phát triển công nghiệp theo hướng hiện đại” với vai trò trung tâm sẽ tiếp tục định hướng các nhiệm vụ nghiên cứu sáng tạo, gắn kết chặt chẽ với doanh nghiệp và quốc tế, hướng tới xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo bền vững, nâng cao năng lực tự chủ công nghệ quốc gia.

Các đại biểu đánh giá cao sự tham gia chủ động của các nhóm nghiên cứu trong các đơn vị trong ĐHQGHN, đề xuất đổi mới cơ chế quản lý thiết bị, thúc đẩy hợp tác doanh nghiệp để hướng nghiên cứu theo sản phẩm thương mại hóa, đồng thời tăng cường đào tạo nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu thị trường và xu hướng toàn cầu.

Tọa đàm đã mở ra nhiều cơ hội hợp tác, trao đổi và phát triển trong ngành công nghiệp chip bán dẫn, góp phần đưa Việt Nam tiến gần hơn tới mục tiêu trở thành trung tâm công nghệ bán dẫn khu vực vào năm 2030 và tầm nhìn trở thành quốc gia hàng đầu thế giới vào năm 2050.

GS.TS Nguyễn Hữu Đức nhấn mạnh đây là lần đầu tiên các nhóm nghiên cứu mạnh cùng chia sẻ kết quả, hướng nghiên cứu, cùng nhau xây dựng đề bài và chương trình nghiên cứu trọng điểm về chip bán dẫn.

Ông nhấn mạnh các nhóm đã thống nhất lộ trình phát triển sản phẩm nghiên cứu trong ngắn hạn và dài hạn, đặc biệt là sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường và doanh nghiệp trong ĐHQGHN. Vai trò của bà Nguyễn Bích Yến được đánh giá rất quan trọng trong việc kết nối nhà khoa học với cộng đồng doanh nghiệp và đào tạo nhân lực chất lượng cao.

Ông cũng đề xuất thành lập một hội đồng tư vấn quốc tế của Viện Bán dẫn và Vật liệu tiên tiến nhằm thẩm định chiến lược và định hướng phát triển Chương trình và Viện nói riêng, đồng thời khẳng định đây là bước đi then chốt để xây dựng chiến lược phát triển ngành chip bán dẫn tại ĐHQGHN một cách bài bản, hiệu quả và bền vững.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *