Tối ngày 11/5/2025 tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Lễ trao Giải thưởng Bảo Sơn năm 2024 – giải thưởng tôn vinh các công trình khoa học, công nghệ, văn học – nghệ thuật có giá trị học thuật, mang tính ứng dụng sâu rộng và đóng góp thiết thực cho sự phát triển bền vững của đất nước – đã được long trọng tổ chức.

Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Chí Dũng chúc mừng các nhà khoa học nhận Giải thưởng Bảo Sơn năm 2024

ĐHQGHN có ba nhà khoa học được vinh danh với ba công trình tiêu biểu thuộc các lĩnh vực: Khoa học sức khỏe, Công nghệ kỹ thuật, và Khoa học Xã hội và Nhân văn.

Ba công trình tiêu biểu của ĐHQGHN được nhận giải thưởng

Lĩnh vực Khoa học sức khỏe: Công trình “Nghiên cứu ứng dụng phẫu thuật nội soi trong điều trị một số bệnh lý tuyến giáp” của Anh hùng Lao động, Thầy thuốc Nhân dân, PGS.TS Trần Ngọc Lương, nguyên Giám đốc Bệnh viện Nội tiết Trung ương – Chủ nhiệm Bộ môn Ngoại Nội tiết, Trường Đại học Y Dược, ĐHQGHN.

Phương pháp phẫu thuật nội soi do PGS.TS Trần Ngọc Lương phát triển được đánh giá là bước đột phá trong ngành y học Việt Nam, có độ an toàn cao, thời gian hồi phục nhanh, hạn chế xâm lấn và được ứng dụng hiệu quả trong điều trị các bệnh tuyến giáp. Ông cũng là người đầu tiên tại Việt Nam thực hiện phẫu thuật tuyến cận giáp tiên phát sau suy thận, mở rộng ứng dụng kỹ thuật mổ nội soi cho nhiều bệnh lý phức tạp, góp phần nâng cao chất lượng sống cho người bệnh.

Lĩnh vực Công nghệ kỹ thuật: Công trình “Nghiên cứu và ứng dụng vật liệu và kết cấu compozit ba pha tiên tiến trong kỹ thuật” của GS.TSKH Nguyễn Đình Đức – giảng viên cao cấp Trường Đại học Công nghệ, ĐHQGHN.

Công trình mang tính đột phá khi phát hiện và phát triển vật liệu compozit cacbon-cacbon có cấu trúc không gian ba pha với đặc tính siêu bền cơ học, siêu bền nhiệt và siêu nhẹ. Đây là vật liệu chiến lược, đặc biệt quan trọng trong công nghiệp và quốc phòng – như chế tạo tên lửa, tàu bay siêu thanh và thiết bị chịu nhiệt cao. Phát hiện của GS. Nguyễn Đình Đức là lời giải cho bài toán vật liệu mà nhiều chuyên gia quốc tế chưa giải quyết được trong suốt nhiều thập kỷ qua.

Lĩnh vực Khoa học Xã hội và Nhân văn: Công trình “Lịch sử chính sách dân tộc của những người cộng sản Việt Nam” của GS.TS Furuta Motoo – Hiệu trưởng Trường Đại học Việt – Nhật, ĐHQGHN.

Là nhà khoa học nước ngoài đầu tiên được nhận Giải thưởng Bảo Sơn, GS. Furuta Motoo đã dành hơn 50 năm gắn bó và nghiên cứu về lịch sử, chính sách dân tộc và sự nghiệp cách mạng của Việt Nam. Công trình của ông làm rõ tiến trình xây dựng chính sách dân tộc của Đảng Cộng sản Việt Nam từ thời kỳ tiền khởi nghĩa đến hiện tại, đặc biệt có đóng góp khoa học về chính sách đối với Hoa kiều và người Hoa – một chủ đề phức tạp và nhạy cảm. Nghiên cứu của ông được đánh giá có giá trị học thuật và sức lan tỏa lớn, tạo thiện cảm sâu sắc trong giới khoa học và chính giới Nhật Bản, góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác hữu nghị Việt Nam – Nhật Bản.

Lãnh đạo ĐHQGHN chúc mừng 3 nhà khoa học của ĐHQGHN nhận giải thưởng cao quý này

Tôn vinh trí tuệ Việt – phát huy sức mạnh đổi mới sáng tạo

Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Chí Dũng đánh giá cao 4 công trình được nhận Giải thưởng Bảo Sơn năm nay. Phó Thủ tướng cho rằng, Giải thưởng Bảo Sơn là biểu tượng kết nối giữa chính sách và thực tiễn, giữa nhà nước và tư nhân, giữa giới khoa học và cộng đồng. Là minh chứng sinh động cho sự kết nối giữa nhà nước, nhà khoa học, doanh nghiệp và cộng đồng trong việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo vì mục tiêu phát triển đất nước. Ông nhấn mạnh: các công trình khoa học được vinh danh hôm nay sẽ là nguồn cảm hứng to lớn để các nhà khoa học tiếp tục cống hiến trí tuệ và sức lực cho một Việt Nam phát triển nhanh và bền vững.

Phó Thủ tướng khẳng định, khoa học là động lực bứt phá của quốc gia, trong bối cảnh cả nước đang triển khai Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá trong khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, Giải thưởng Bảo Sơn được kỳ vọng là động lực quan trọng thúc đẩy nghiên cứu, ứng dụng và thương mại hóa các kết quả khoa học, khơi dậy khát vọng cống hiến và nâng cao vị thế khoa học Việt Nam trên trường quốc tế.

Chia sẻ tại sự kiện, ông Nguyễn Trường Sơn, Chủ tịch Tập đoàn Bảo Sơn nhấn mạnh: “Giải thưởng Bảo Sơn là một sáng kiến mang tính chiến lược, nhằm tôn vinh các nhà khoa học xuất sắc và cổ vũ sự nghiệp phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo vì một Việt Nam phát triển nhanh, bền vững, tự cường và hạnh phúc.”

Từ năm 2024, Quỹ Bảo Sơn phối hợp với Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam thành lập Hội đồng xét chọn gồm các nhà khoa học uy tín trong nước và quốc tế. Trong năm 2024, Hội đồng đã tiếp nhận 28 công trình, sau quá trình xét chọn nghiêm túc, đã chọn ra 4 công trình xuất sắc nhất. Mỗi công trình nhận được giải thưởng trị giá 3,1 tỷ đồng (tương đương 120.000 USD).

Đặc biệt, với cam kết phát triển lâu dài, Tập đoàn Bảo Sơn đã bổ sung 500 tỷ đồng vào quỹ thưởng, đồng thời dành 30% tài sản để bảo trợ Giải thưởng Bảo Sơn, hướng tới mục tiêu nâng mức giải thưởng lên 1 triệu USD/giải vào cuối thế kỷ 21.

Đại diện Hội đồng Giải thưởng Bảo Sơn, Phó Chủ tịch Hội đồng Giải thưởng, GS.TKH Vũ Minh Giang đánh giá cao 28 công trình tham gia xét tặng năm nay. Hội đồng đã làm việc vô cùng công tâm và đã chọn ra được 4 công trình xuất sắc nhất mang tính ứng dụng thực tiễn nhất để trao giải. Ông cho biết, điều đặc biệt ở giải thưởng năm nay có sự khác biệt là dành cho tất cả các nhà khoa học trong và ngoài nước, nếu công trình đóng góp thiết thực cho cộng đồng Việt Nam và mang tầm ảnh hưởng quốc tế.

Tiếp tục lan tỏa niềm tin và khát vọng khoa học

GS.TSKH Nguyễn Đình Đức chia sẻ: Đây là vinh dự lớn lao không chỉ cho cá nhân tôi, mà còn là niềm tự hào của Trường Đại học Công nghệ và ĐHQGHN. Giải thưởng là nguồn động lực mạnh mẽ để tôi và các cộng sự tiếp tục chinh phục những đỉnh cao mới trong khoa học, đưa nghiên cứu phục vụ thực tiễn, vì một Việt Nam phát triển, hùng cường.

Ông bày tỏ, đây là vinh dự lớn không chỉ của cá nhân, mà còn là vinh dự và niềm tự hào của nhóm nghiên cứu, các thế hệ học trò, của Trường ĐH Công nghệ nói riêng và ĐHQGHN nói chung, là nguồn cổ vũ động viên có sức lan tỏa mạnh mẽ tới các nhà khoa học trẻ, các bạn nghiên cứu sinh, học viên cao học và sinh viên tự tin và mạnh dạn dấn thân theo đuổi con đường khoa học, ý chí quyết tâm đem những nghiên cứu của mình phục vụ thực tiễn, vì một tương lai đất nước giàu mạnh, hùng cường.

GS. Furuta Motoo xúc động nói: “Tôi tự hào là người nước ngoài đầu tiên nhận được giải thưởng danh giá này. Đây là sự ghi nhận lớn lao cho hành trình cống hiến của tôi tại Việt Nam. Tôi cảm thấy mình như là ‘made in Việt Nam’.”

Thầy thuốc Nhân dân Trần Ngọc Lương cũng cho biết: “Giải thưởng Bảo Sơn là niềm vinh dự không chỉ cho tôi mà còn cho ngành y tế nước nhà. Tôi mong muốn tiếp tục có thêm nhiều đóng góp để người dân Việt Nam được sống khỏe mạnh, hạnh phúc.

Công trình nghiên cứu của Giáo sư, Tiến sỹ Furuta Motoo – là nhà khoa học nước ngoài đầu tiên của Việt Nam được nhận Giải thưởng Bảo Sơn nă 2024 đã tập trung làm rõ vai trò của Đảng Cộng sản Việt Nam trong việc xây dựng chính sách dân tộc qua các thời kỳ lịch sử, từ các tổ chức tiền thân (1925 – 1930) đến hiện nay.Tác phẩm dựa trên nguồn tư liệu phong phú, quý hiếm, đặc biệt nổi bật ở những phân tích khách quan về chính sách với Hoa kiều và người Hoa, một chủ đề nhạy cảm, phức tạp.Là một học giả ngoài hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa, nghiên cứu của ông mang tính độc lập cao, được đánh giá có giá trị khoa học và sức thuyết phục lớn, đã trở thành nền tảng nghiên cứu chính sách dân tộc của Đảng Cộng sản Việt Nam tại Nhật Bản.Đặc biệt, công trình đã có ảnh hưởng không nhỏ đến giới khoa học và chính giới Nhật Bản trong cách nhìn thiện cảm với Đảng Cộng sản Việt Nam, góp phần tăng cường quan hệ hữu nghị, hợp tác hữu nghị giữa Nhật Bản và Việt Nam.GS.TS Furuta Motoo hiện nay là Chủ tịch Hội Hữu nghị Nhật – Việt và Chủ tịch Hội Nhật Bản nghiên cứu Việt Nam. Được biết, ông là tác giả cuốn sách “Hồ Chí Minh – Giải phóng dân tộc và Đổi mới” (1996), được đánh giá cao trong giới nghiên cứu Nhật Bản.
Theo ban tổ chức, công trình “nghiên cứu và ứng dụng vật liệu và kết cấu compozit ba pha tiên tiến trong kỹ thuật” của GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, Trường ĐH Công nghệ, ĐHQGHN là kết quả của sự phát hiện ra một cấu trúc vật liệu compozit cacbon-cacbon mới có cấu trúc không gian 3 pha với tính năng siêu bền cơ học, siêu bền nhiệt và siêu nhẹ.Đây là nghiên cứu có vị trí rất quan trọng trong lĩnh vực công nghiệp và an ninh quốc phòng, đặc biệt trong công nghệ chế tạo tên lửa. Chính vì vậy, vật liệu này được các siêu cường quốc đặt trọng tâm nghiên cứu.Ý tưởng nghiên cứu về loại vật liệu compozit cácbon mới siêu bền như vậy nhằm cải thiện về tầm bắn, thời gian bay cho tên lửa, gắn liền với luận án tiến sĩ khoa học của GS Nguyễn Đình Đức tại phòng thí nghiệm vật liệu compozit của Viện nghiên cứu chế tạo máy, Viện hàn lâm Khoa học Liên Xô.Phát hiện của GS Nguyễn Đình Đức là lời giải đáp mà nhiều nhà vật lý và công nghệ vật liệu lúc đó chưa thể giải quyết được để nâng cao tính năng cơ lý của vật liệu compozit, đặc biệt có tính đến mối quan hệ phi tuyến và tương tác của các thành phần gia cường trong vật liệu.Giải pháp của Giáo sư Nguyễn Đình Đức đã đem lại hiệu quả kinh tế cao cho đơn vị tiếp nhận và sử dụng, và mở ra triển vọng ứng dụng trong nhiều lĩnh vực trong tương lai.
Nhắc đến PGS.TS. Bác sĩ Trần Ngọc Lương thường được nhắc đến với vai trò chuyên gia dầu ngành phẫu thuật nội soi điều trị một số bệnh lý tuyến giáp. Đây là phương pháp điều trị nhanh, an toàn và hiệu quả, được vinh danh một trong những thành tự lớn của ngành Y tế trong những năm qua. Bên cạnh đó, ông cũng là người đầu tiên phẫu thuật tuyến cận giáp tiên phát, sau suy thận tại Việt Nam. Cùng với đó, ông đứng ra tổ chức, điều hành, thực hiện được nhiều loại phẫu thuật khác nhau ở bệnh nhân đái tháo đường, một bệnh đang gia tăng nhanh chóng ở nước ta cũng như trên thế giới.

Một số hình ảnh tại buổi lễ:

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *