Sáng ngày 19/3/2025, tại Hòa Lạc, GS.TS Lê Quân, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN), đã có buổi tiếp và làm việc với bà Nguyễn Bích Yến, chuyên gia hàng đầu thế giới trong lĩnh vực vật liệu bán dẫn, nghiên cứu viên cao cấp của Tập đoàn Soitec. Cuộc gặp gỡ nhằm trao đổi và tham vấn về chiến lược phát triển nguồn nhân lực công nghệ bán dẫn tại ĐHQGHN trong những năm tới.

Giám đốc ĐHQGHN Lê Quân phát biểu tại buổi làm việc

Tại buổi làm việc, GS.TS. Lê Quân đã giới thiệu về ĐHQGHN và các cơ hội hợp tác dành cho các nhà khoa học, chuyên gia, cũng như các tập đoàn công nghệ trong và ngoài nước khi tham gia triển khai đề xuất đầu tư xây dựng Trung tâm hỗ trợ thiết kế, chế tạo và đo kiểm vi mạch quốc gia tại ĐHQGHN. Ông bày tỏ mong muốn bà Nguyễn Bích Yến, với kinh nghiệm hợp tác với các tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới, sẽ có những ý kiến tư vấn giúp hoàn thiện đề xuất này. Đồng thời, ông hy vọng bà Bích Yến sẽ trở thành cầu nối kết nối các tổ chức và cá nhân trong lĩnh vực này trên toàn cầu. Giám đốc Lê Quân nhấn mạnh rằng trong định hướng phát triển của Công viên Công nghệ cao và Đổi mới sáng tạo, công nghệ bán dẫn sẽ là một trong những trụ cột chính, gắn liền với các lĩnh vực quan trọng khác như trí tuệ nhân tạo, vật liệu tiên tiến, linh kiện điện tử… ĐHQGHN cũng đang duy trì quan hệ hợp tác chặt chẽ với các đại học hàng đầu thế giới về công nghệ bán dẫn, như Đại học Thanh Hoa (Trung Quốc), Đại học Tokyo (Nhật Bản), Đại học Quốc gia Seoul (Hàn Quốc), Đại học Grenoble Alpes (Pháp)…

Trong buổi làm việc, Giám đốc ĐHQGHN đã trân trọng mời bà Nguyễn Bích Yến tham gia vào các hoạt động tại ĐHQGHN với vai trò Giám đốc danh dự hoặc Đồng Giám đốc của Trung tâm hỗ trợ thiết kế, chế tạo và đo kiểm vi mạch Quốc gia.

Bà Nguyễn Bích Yến chia sẻ tại buổi làm việc

Đáp lại lời mời từ GS.TS Lê Quân, bà Nguyễn Bích Yến bày tỏ sự quan tâm sâu sắc đến định hướng phát triển công nghệ bán dẫn của ĐHQGHN. Bà đánh giá cao ý tưởng và tiềm năng của dự án, đồng thời bày tỏ sự trân trọng trước lời mời hợp tác từ phía ĐHQGHN.

Bà Yến chia sẻ rằng gắn bó với môi trường đại học luôn là niềm đam mê của bà, bởi đây là nơi khởi nguồn của những ý tưởng đột phá và là cầu nối quan trọng giữa nghiên cứu khoa học với ngành công nghiệp. Bà nhấn mạnh rằng nhiều phát minh và sáng chế của bà và cộng sự đã ra đời từ chính những hoạt động giảng dạy, nghiên cứu tại các trường đại học.

Theo bà Nguyễn Bích Yến, Việt Nam đang có lợi thế cạnh tranh đặc biệt trong khu vực để phát triển công nghệ bán dẫn. Bà nhận định rằng ĐHQGHN có vị trí chiến lược thuận lợi, phù hợp để trở thành trung tâm kết nối cho sự phát triển công nghệ bán dẫn tại Việt Nam. Đặc biệt, nguồn nhân lực chất lượng cao trong các lĩnh vực liên quan tại ĐHQGHN chính là yếu tố nền tảng để phát triển công nghệ này một cách bền vững.

GS.TS Trần Thị Thanh Tú – Trưởng ban Khoa học và Đổi mới sáng tạo ĐHQGHN giới thiệu về tiềm lực khoa học công nghệ của ĐHQGHN trong lĩnh vực bán dẫn

Cũng trong khuôn khổ buổi làm việc, GS.TS Lê Quân cùng các Phó Giám đốc ĐHQGHN PGS.TS. Phạm Bảo Sơn, PGS.TS. Nguyễn Hiệu, bà Nguyễn Bích Yến cùng các chuyên gia, nhà khoa học đã tham gia hội thảo chuyên đề do ĐHQGHN tổ chức. Hội thảo tập trung vào các nội dung quan trọng như: (i) Đề án phát triển nguồn nhân lực công nghiệp bán dẫn tại ĐHQGHN; (ii) Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư Trung tâm hỗ trợ thiết kế, chế tạo và đo kiểm vi mạch Quốc gia tại ĐHQGHN.

Trong phiên hội thảo buổi chiều tại Không gian Đổi mới Sáng tạo (VNU-RMIT Innovation Hub) – Viện Công nghệ Thông tin, các nhà khoa học của ĐHQGHN đã có những trao đổi sôi nổi với chuyên gia Nguyễn Thị Bích Yến về định hướng nghiên cứu, xu thế công nghệ, cũng như tiềm năng hợp tác giữa doanh nghiệp và đại học trong lĩnh vực công nghệ bán dẫn. Các chuyên gia đã thảo luận về những lĩnh vực nghiên cứu mũi nhọn, các bước đi chiến lược để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đồng thời chia sẻ kinh nghiệm quốc tế trong việc xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo trong ngành bán dẫn.

Đặc biệt, hội thảo cũng có sự tham gia của ông Đặng Đình Thi – Trưởng ban Đề án phát triển nhà máy bán dẫn Viettel. Ông Thi đã chia sẻ những định hướng ban đầu về kế hoạch xây dựng nhà máy chế tạo bán dẫn của Tập đoàn Viettel, đồng thời bày tỏ mong muốn hợp tác chặt chẽ với ĐHQGHN trong việc nghiên cứu, đào tạo và phát triển nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam.

Các nhà khoa học của ĐHQGHN và đại diện Tập đoàn Viettel cùng nhất trí rằng, sự kết nối giữa doanh nghiệp và đại học không chỉ góp phần thúc đẩy nghiên cứu và đổi mới sáng tạo, mà còn tạo điều kiện thuận lợi để đào tạo ra những chuyên gia có thể đáp ứng trực tiếp nhu cầu của ngành công nghiệp bán dẫn trong nước. Sự hợp tác này được kỳ vọng sẽ góp phần vào việc định hình một chuỗi giá trị bán dẫn nội địa vững chắc, đồng thời đưa Việt Nam từng bước tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu.

Bà Nguyễn Bích Yến là hội viên của Viện Kỹ thuật Điện và Điện tử Hoa Kỳ (IEEE), đồng thời là một trong những chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực công nghệ bán dẫn. Bà đã nhận được nhiều giải thưởng danh giá như: Dan Noble Fellow (2001); The Master of Innovation Award (2003); Giải thưởng Thành tựu trọn đời – National Woman in Technology Lifetime Achievement Award (2004); IEEE Fellow (2020); IEEE Frederik Phillips Award (2024).

Bà sở hữu hơn 200 bằng sáng chế về quy trình IC, tích hợp, thiết bị và mạch điện được công nhận trên toàn cầu. Bên cạnh đó, bà cũng là tác giả của hơn 200 công bố khoa học trên các tạp chí quốc tế uy tín và các hội nghị chuyên ngành về chip bán dẫn. Hiện tại, bà có chỉ số h-index 58 với 11.919 trích dẫn trên các nền tảng khoa học quốc tế.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *