Ngày 25/02/2025, ĐHQGHN đã tổ chức Hội nghị triển khai Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 03/NQ-CP của Chính phủ về Đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.

Giám đốc ĐHQGHN Lê Quân phát biểu tại hội nghị
Đồng chí Nguyễn Đức Kiên, Phó Vụ trưởng Vụ Tham mưu tổng hợp, Văn phòng Trung ương Đảng đã trình bày các nội dung cốt lõi của Nghị quyết và một số gợi ý với ĐHQGHN.
Đồng chí Vũ Đức Kiên nhấn mạnh, Nghị quyết 57-NQ/TW, với trọng tâm là khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, được xác định là động lực then chốt cho sự phát triển kinh tế và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Nghị quyết đặt mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam thuộc nhóm 3 nước dẫn đầu Đông Nam Á về năng lực cạnh tranh số, trí tuệ nhân tạo và có tối thiểu 5 doanh nghiệp công nghệ số ngang tầm quốc tế. Đến năm 2045, Việt Nam hướng tới trở thành một trong 30 quốc gia hàng đầu về đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

Đồng chí Nguyễn Đức Kiên, Phó Vụ trưởng Vụ Tham mưu tổng hợp, Văn phòng Trung ương Đảng chia sẻ tại hội nghị
Để hiện thực hóa mục tiêu này, Nghị quyết nhấn mạnh cải cách thể chế, phát triển hạ tầng công nghệ, đào tạo nhân lực chất lượng cao và thúc đẩy doanh nghiệp đổi mới sáng tạo. Trong đó, ĐHQGHN được định hướng trở thành trung tâm nghiên cứu, đào tạo nguồn nhân lực và phát triển công nghệ chiến lược như trí tuệ nhân tạo, vi mạch, an ninh mạng và công nghệ sinh học…
Việc triển khai quyết liệt các giải pháp trong Nghị quyết 57-NQ/TW được kỳ vọng sẽ tạo ra bước đột phá, đưa Việt Nam nhanh chóng tiến vào kỷ nguyên số, vươn lên mạnh mẽ trên bản đồ khoa học và công nghệ thế giới.

Trao đổi tại hội nghị, GS. Vũ Minh Giang nhấn mạnh, ĐHQGHN có tiềm năng lớn trong việc khai thác cơ hội từ Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị, đặc biệt trong lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nghiên cứu khoa học và chuyển đổi số. GS. Giang cho rằng, ĐHQGHN cần trở thành “máy cái” bồi dưỡng các nhà khoa học đầu ngành với cơ chế giao chỉ tiêu và trách nhiệm đào tạo thế hệ kế cận. Cùng với khoa học công nghệ, ông khẳng định, lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn cũng cần được đầu tư tương xứng. Những cơ chế của Đảng, Nhà nước mở ra trong lĩnh vực văn hóa là cơ hội cho ĐHQGHN không chỉ phát huy thế mạnh nghiên cứu mà còn kết nối với doanh nghiệp để sản xuất các sản phẩm văn hóa chất lượng cao. Ông cũng đồng thời cho rằng việc đẩy mạnh hợp tác với các đại học hàng đầu thế giới thông qua các sáng kiến như Diễn đàn các đại học Đông Á, bao gồm ĐH Bắc Kinh, ĐHQG Seoul, ĐH Tokyo, ĐHQGHN được gọi tắt là Diễn đàn BESETOHA, Hội thảo khoa học quốc tế về Việt Nam học sẽ nâng tầm vị thế và tạo dấu ấn của ĐHQGHN nói riêng và quốc gia nói chung trên trường quốc tế.

GS. Mai Trọng Nhuận chỉ ra rằng, rào cản lớn nhất trong phát triển khoa học công nghệ tại Việt Nam chính là thể chế và chính sách chưa theo kịp thực tiễn. Hiện nay, quản lý khoa học công nghệ chủ yếu dựa trên quy trình, quy định hành chính, thay vì tập trung vào kết quả và sản phẩm đầu ra. Điều này khiến việc thương mại hóa các nghiên cứu gặp nhiều khó khăn, làm giảm động lực sáng tạo và ứng dụng vào thực tế. Theo GS. Nhuận, điều kiện tiên quyết để thành công trong khởi nghiệp đổi mới sáng tạo không chỉ là cơ chế mà còn là trí tuệ và năng lực kinh doanh. Để một sản phẩm khoa học công nghệ có thể thương mại hóa và ứng dụng thực tế, cần một hệ sinh thái hỗ trợ mạnh mẽ. Ông cho rằng cần cơ chế cụ thể để sản phẩm khoa học công nghệ, đặc biệt là các đề tài cấp quốc gia có thể phát triển thành sản phẩm hoàn chỉnh, có giá trị thực tiễn và dễ dàng chuyển giao.

GS. Nguyễn Quý Thanh nhận định, quá trình đổi mới giáo dục tại Việt Nam đã mang lại những thay đổi quan trọng nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức. Ông cho rằng cần phân biệt rõ giữa nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng, đồng thời tập trung vào việc chuyển giao kết quả nghiên cứu vào thực tiễn thay vì chỉ chú trọng số lượng bài báo công bố. Ông cũng chỉ ra rằng cơ chế quản lý khoa học công nghệ còn nhiều rào cản, chủ yếu dựa trên quy trình hành chính thay vì tập trung vào kết quả đầu ra, làm giảm hiệu quả nghiên cứu. Theo GS. Nguyễn Quý Thanh, nguồn lực cho nghiên cứu và đổi mới sáng tạo hiện nay còn hạn chế. Ông đề xuất tìm kiếm nguồn lực tài chính để đảm bảo hoạt động giáo dục và nghiên cứu không bị ảnh hưởng; đồng thời cần có cơ chế tài chính linh hoạt hơn để hỗ trợ giáo dục và nghiên cứu khoa học phát triển bền vững.
Phó Giám đốc ĐHQGHN Phạm Bảo Sơn khẳng định, trong thời gian qua, ĐHQGHN đã tiên phong triển khai nhiều chính sách thí điểm nhằm tăng cường tiềm lực, thúc đẩy nghiên cứu khoa học. Các chính sách này tập trung vào khoa học cơ bản, đầu tư cho các nhóm nghiên cứu mạnh, phòng thí nghiệm/trung tâm nghiên cứu trọng điểm, thu hút nhân tài và phát triển các chương trình đào tạo kỹ thuật – công nghệ.

Về phát triển khoa học công nghệ, ĐHQGHN tập trung đầu tư chiều sâu, nâng cao năng lực các nhóm nghiên cứu mạnh và hỗ trợ tài chính cho các sản phẩm khoa học công nghệ vượt trội. Đồng thời, thu hút các nhà khoa học xuất sắc trong và ngoài nước, tạo môi trường nghiên cứu tiên tiến. Về hợp tác doanh nghiệp, ĐHQGHN tăng cường hợp tác công – tư, thúc đẩy và phát triển mô hình công viên đổi mới sáng tạo nhằm thu hút nguồn lực ngoài ngân sách, hỗ trợ chuyển giao công nghệ. Về hợp tác quốc tế, ĐHQGHN đã và đang đẩy mạnh hợp tác với các đại học hàng đầu và doanh nghiệp quốc tế, mở rộng cơ hội phát triển nghiên cứu và thương mại hóa sản phẩm khoa học.
Do đó, kế hoạch thực hiện Nghị quyết 57-NQ/TW và Nghị quyết 03/NQ-CP bám sát các nhiệm vụ trọng tâm mà ĐHQGHN đang triển khai. Các nhóm nhiệm vụ tập trung phát triển các chính sách đột phá gắn với phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đẩy mạnh hoạt động hợp tác với doanh nghiệp và gia tăng nguồn thu từ dịch vụ và chuyển giao khoa học – công nghệ, thúc đẩy chuyển đổi số ở ĐHQGHN.

Phát biểu tại hội nghị, Giám đốc ĐHQGHN Lê Quân khẳng định ĐHQGHN đã và đang phát huy vai trò tiên phong trong nghiên cứu và đào tạo, góp phần thúc đẩy khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Giám đốc ĐHQGHN nhấn mạnh rằng, để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế ở mức hai con số thì phải tập trung vào chất lượng đào tạo. Định hướng mở ngành của ĐHQGHN là mở rộng và phát triển các chương trình đào tạo đáp ứng nhu cầu của xã hội, có chất lượng cao và hiệu quả.
Giám đốc Lê Quân cho biết thêm, trong những năm qua, nguồn thu từ các dịch vụ, chuyển giao khoa học công nghệ của ĐHQGHN có xu hướng gia tăng. ĐHQGHN tiếp tục lộ trình tăng nguồn thu từ dịch vụ, chuyển giao công nghệ, hợp tác doanh nghiệp, đồng thời thành lập công viên Công nghệ cao và Đổi mới sáng tạo, một mô hình tổ chức hoạt động linh hoạt để thu hút đầu tư tài chính ngoài ngân sách nhà nước.
Tiềm lực khoa học công nghệ của ĐHQGHN với hơn 3.000 cán bộ khoa học, gần 50 nhóm nghiên cứu mạnh, trong đó có 200 nhà khoa học đạt chuẩn quốc tế xuất sắc, chủ yếu là các nhà khoa học trẻ. Nhiều phòng thí nghiệm trọng điểm và phòng thí nghiệm chuyên đề cũng đang được đầu tư đồng bộ nhằm tạo nền tảng vững chắc cho nghiên cứu.
Giám đốc ĐHQGHN Lê Quân khẳng định, nguồn nhân lực chất lượng cao là yếu tố then chốt trong đột phá khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. ĐHQGHN tập trung tăng quy mô và nâng cao chất lượng nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực “máy cái” – những người dẫn dắt nghiên cứu đỉnh cao, chuyên gia đầu ngành. Để thực hiện thành công Nghị quyết 57, ông nhấn mạnh tổng chi cho KHCN cần phải tăng mạnh, đồng thời đẩy nhanh đầu tư cơ sở vật chất và rà soát lại các quy chế để đảm bảo tính hiệu quả. Ngoài ra, cải cách hành chính cũng là ưu tiên hàng đầu để tạo cơ chế linh hoạt cho nghiên cứu và đào tạo. ĐHQGHN đang nỗ lực đơn giản hóa quy trình, tháo gỡ rào cản, và xây dựng các chính sách khuyến khích đổi mới sáng tạo, từ đó thúc đẩy tăng trưởng và nâng cao vị thế của trường trong khu vực và quốc tế.