Ngày 20/02/2025, Giám đốc ĐHQGHN Lê Quân chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo của ĐHQGHN thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 03/NQ-CP của Chính phủ.
Cùng dự có Phó Giám đốc Phạm Bảo Sơn, thành viên Ban Chỉ đạo, đại diện lãnh đạo Văn phòng, các ban chức năng của ĐHQGHN.
Ngày 13/02/2025, ĐHQGHN đã ban hành Quyết định số 720/QĐ-ĐHQGHN về việc thành lập Ban Chỉ đạo của ĐHQGHN thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 03/NQ-CP của Chính phủ gồm 26 thành viên do Bí thư Đảng ủy, Giám đốc ĐHQGHN Lê Quân làm Trưởng ban; Phó Giám đốc ĐHQGHN Phạm Bảo Sơn làm Phó Trưởng ban thường trực; Trưởng ban Khoa học và Đổi mới sáng tạo Trần Thị Thanh Tú và Giám đốc Công viên Công nghệ cao và Đổi mới sáng tạo Trương Ngọc Kiểm làm Phó Trưởng ban. Bên cạnh đó, Ban Chỉ đạo còn có sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học hàng đầu và các nhà khoa học trẻ của ĐHQGHN.

Phát biểu tại buổi làm việc, Giám đốc ĐHQGHN Lê Quân khẳng định ĐHQGHN đã và đang phát huy vai trò tiên phong trong nghiên cứu và đào tạo, góp phần thúc đẩy khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Định hướng của ĐHQGHN là tập trung thúc đẩy khoa học ứng dụng song song với thế mạnh về khoa học cơ bản. ĐHQGHN sẽ tiếp tục tăng cường hoạt động kết nối, hợp tác hiệu quả với các doanh nghiệp, tập đoàn lớn, tạo tiền đề cho đầu ra của các sản phẩm nghiên cứu tại ĐHQGHN. Đồng thời, việc đầu tư vào các trung tâm nghiên cứu xuất sắc và phát triển Công viên Công nghệ cao và Đổi mới sáng tạo sẽ tiếp tục được đẩy mạnh, tạo nền tảng cho hệ sinh thái đổi mới sáng tạo.
Tại buổi làm việc, Trưởng ban Khoa học và Đổi mới sáng tạo Trần Thị Thanh Tú trình bày dự thảo nhóm nhiệm vụ thực hiện Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết 03/NQ-CP của Chính phủ. Theo đó, ĐHQGHN đề ra 04 nhóm nhiệm vụ gắn với chỉ tiêu và sản phẩm cụ thể đến năm 2030. Các nhóm nhiệm vụ tập trung phát triển các chính sách đột phá gắn với phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đẩy mạnh hoạt động hợp tác với doanh nghiệp và gia tăng nguồn thu từ dịch vụ và chuyển giao khoa học – công nghệ, thúc đẩy chuyển đổi số ở ĐHQGHN.
Nhằm triển khai có hiệu quả Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết 03/NQ-CP của Chính phủ, ngày 13/01/2025, Giám đốc ĐHQGHN Lê Quân đã ký Quyết định số 189/QĐ-ĐHQGHN về việc thành lập Công viên Công nghệ cao và Đổi mới sáng tạo. Trong khuôn khổ buổi làm việc, Giám đốc Công viên Công nghệ cao và Đổi mới sáng tạo Trương Ngọc Kiểm đã trình bày về định hướng và mô hình tổ chức hoạt động của Công viên. Theo đó, Công viên Công nghệ cao và Đổi mới sáng tạo (VNU – TIP) được thành lập để tập trung nguồn lực, đẩy mạnh hợp tác quốc tế, hợp tác với doanh nghiệp trong và ngoài nước, đầu tư để phát triển các hướng nghiên cứu lĩnh vực ưu tiên. VNU – TIP được thành lập theo hướng là một tổ hợp bao gồm một số đơn vị nghiên cứu khoa học thành viên và trung tâm hỗ trợ, dịch vụ. Đây sẽ là cầu nối quan trọng giữa nhà khoa học, doanh nghiệp và nhà đầu tư.

Phát biểu tại buổi làm việc, GS.TS Mai Trọng Nhuận, Chủ tịch Hội đồng Đảm bảo chất lượng, nguyên Giám đốc ĐHQGHN nhấn mạnh, khi xây dựng kế hoạch cần tiếp cận theo hướng đột phá khoa học – công nghệ và đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, tạo ra các sản phẩm, ý tưởng, công nghệ mới đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh, đột phá, bền vững đất nước. Ông cho rằng, cần tập trung phát triển các tổ chức nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo như các viện nghiên cứu, trung tâm nghiên cứu xuất sắc, nhóm nghiên cứu mạnh…
GS. Nhuận cũng đề nghị Ban Chỉ đạo của ĐHQGHN rà soát nội dung của hai nghị quyết và triển khai các nhiệm vụ trọng tâm gắn với thế mạnh của ĐHQGHN, đặc biệt là các lĩnh vực mũi nhọn, tránh trùng lặp và tối ưu hóa nguồn lực. Đồng thời tích hợp kế hoạch này với Đề án Phát triển ĐHQGHN tới năm 2030 theo tinh thần Nghị quyết 45-NQ/TW ngày 24/11/2023.

GS. Nguyễn Hữu Đức, nguyên Phó Giám đốc ĐHQGHN đã chỉ ra các điểm nghẽn cản trợ sự phát triển của khoa học và công nghệ, đó là: việc đầu tư cho nghiên cứu khoa học chưa đủ mạnh để tạo ra bước đột phá; chất lượng và số lượng nhân lực trình độ cao còn hạn chế; tư duy đổi mới chưa trở thành động lực chính thúc đẩy sự phát triển; số lượng đề tài nghiên cứu đột phá còn ít, chưa đáp ứng được nhu cầu thực tiễn; các doanh nghiệp chưa chú trọng vào đặt hàng nghiên cứu các lĩnh vực công nghệ.
GS. Nguyễn Hữu Đức nhấn mạnh, chuyển đổi số không chỉ là xu hướng mà cần trở thành công cụ cốt lõi trong giảng dạy và quản trị đại học. Ông cho rằng cần biến chuyển đổi số thành lợi thế cạnh tranh trong đào tạo và nghiên cứu khoa học, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết của tư duy này trong phát triển giáo dục đại học. Theo GS. Nguyễn Hữu Đức, ý tưởng thành lập Công viên Công nghệ cao và Đổi mới sáng tạo là hướng đi sáng tạo để thực hiện thành công Nghị quyết 57-NQ/TW và Nghị quyết 03/NQ-CP, đồng thời giúp gia tăng tiềm lực và sản phẩm khoa học – công nghệ mang tính ứng dụng cao của ĐHQGHN.

Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ Chử Đức Trình bày tỏ sự đồng tình với nhóm nhiệm vụ thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 03/NQ-CP của Chính phủ. Hiệu trưởng Chử Đức Trình cũng lưu ý về việc đảm bảo quyền lợi hài hòa giữa các bên liên quan, nhấn mạnh rằng lợi ích của đất nước phải gắn chặt với sự phát triển của doanh nghiệp. Ông cho rằng chỉ khi có sự hợp tác chặt chẽ giữa khu vực học thuật và doanh nghiệp, công viên công nghệ mới có thể tạo ra tác động thực sự.

Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Tự nhiên Vũ Hoàng Linh cũng bày tỏ sự nhất trí với chủ trương này, đồng thời nhấn mạnh đây là bước đi quan trọng để thúc đẩy nghiên cứu, đổi mới sáng tạo và ứng dụng công nghệ vào thực tiễn. Ông cho rằng cần làm rõ tiêu chí xác định “nhà khoa học xuất sắc” và “nhà khoa học đạt chuẩn quốc tế”, từ đó xây dựng chính sách hợp lý, thu hút nhân tài về làm việc tại Công viên Công nghệ cao và Đổi mới sáng tạo.
Kết luận buổi làm việc, Giám đốc ĐHQGHN Lê Quân nhấn mạnh cách tiếp cận tổng thể, từ đầu ra đến nhiệm vụ cụ thể, chính sách và nguồn lực triển khai. Ông đề nghị rà soát những nội dung đã thực hiện, đánh giá những điểm còn thiếu để bổ sung phù hợp với định hướng của các nghị quyết.
Giám đốc ĐHQGHN yêu cầu hoàn thiện kế hoạch triển khai tăng cường kết nối doanh nghiệp, nhà đầu tư và các chương trình nghiên cứu, đặc biệt là nghiên cứu cơ bản gắn với thực tiễn địa phương.
Giám đốc đề nghị Viện Đào tạo số và Khảo thí được giao nhiệm vụ sớm trình đề án đào tạo số và đề án chuyển đổi số. Ban Khoa học & Đổi mới sáng tạo cần sớm đề xuất cơ chế thí điểm về khoa học, công nghệ theo Nghị quyết 57-NQ/TW. ĐHQGHN sẽ tập trung phát triển hệ thống quản trị số nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động. Công nghệ số cũng sẽ được áp dụng mạnh mẽ trong đào tạo, mở rộng các học phần giảng dạy trực tuyến và giảng dạy kết hợp (blended – learning), đồng thời đảm bảo cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ chuyển đổi số quốc gia.
Giám đốc Lê Quân kỳ vọng, Công viên Công nghệ cao và Đổi mới Sáng tạo sẽ là nền tảng quan trọng giúp ĐHQGHN nâng cao năng lực nghiên cứu và ứng dụng công nghệ. Do đó, VNU – TIP cần kêu gọi sự hợp tác từ các doanh nghiệp, nhà đầu tư và cộng đồng khoa học để cùng phát triển một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo bền vững, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.
Việc triển khai Nghị quyết 57-NQ/TW cần bám sát các yêu cầu thực tiễn, khắc phục điểm yếu, tạo đột phá và gắn với các chỉ số KPIs để đảm bảo tính hiệu quả. Các đơn vị cần chủ động rà soát, tích hợp nhiệm vụ và sớm hành động để đưa các kế hoạch vào thực tiễn.
Một số lĩnh vực mũi nhọn cần được đầu tư và phát triển trong Công viên Công nghệ cao và Đổi mới sáng tạo, bao gồm: Công nghệ thông tin, AI và IoT, phục vụ chuyển đổi số và thành phố thông minh; Công nghệ bán dẫn, góp phần phát triển công nghiệp chip; Công nghệ sinh học và nông nghiệp, đặc biệt là ứng dụng trong y sinh và phát triển bền vững; Vật liệu tiên tiến và năng lượng mới.Một trong những ưu tiên quan trọng của công viên công nghệ là tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà khoa học, doanh nghiệp khởi nghiệp. Do đó, trong tương lai, Công viên sẽ triển khai một số chính sách hỗ trợ các nhà khoa học – các chủ thể thụ hưởng chính như: Giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm, khuyến khích nhà khoa học tham gia điều hành doanh nghiệp dựa trên kết quả nghiên cứu; Tăng cường kết nối hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, từ viện – trường – doanh nghiệp đến quỹ đầu tư; Ưu tiên đầu tư cho các nhóm nghiên cứu trọng điểm, đảm bảo nguồn lực về cơ sở vật chất và tài chính; Hỗ trợ 100% thủ tục hành chính, giải phóng sức lao động cho các nhà nghiên cứu. Trước mắt, VNU – TIP sẽ thí điểm một số chính sách nhằm thu hút chuyên gia quốc tế, đầu tư tư nhân và hình thành quỹ đầu tư mạo hiểm hỗ trợ khởi nghiệp, hỗ trợ vốn mồi cho các nhiệm vụ hợp tác quốc tế, các dự án thí điểm và thử nghiệm sản xuất, tối ưu hóa cơ sở vật chất dùng chung. |